Thiếu máu là tình trạng lượng huyết cầu tố hay khối hồng cầu thấp hơn giới hạn bình thường của người cùng lứa tuổi. Thiếu máu ở trẻ em làm giảm sức đề kháng của cơ thể, ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng, phát triển tâm vận động, khả năng học tập, trí thông minh của trẻ. Ở phụ nữ mang thai, thiếu máu ảnh hưởng trực tiếp đến sự hoàn thiện của não và phát triển thai nhi, tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non và mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
1. Dấu hiệu nhận biết thiếu máu
- Dấu hiệu thiếu máu: Da xanh, lòng bàn tay nhợt, niêm mạc nhợt
- Dấu hiệu thiếu oxy: Lừ đừ, kém tập trung khi làm việc hoặc học tập, kém vận động, mệt mỏi, nhịp tim nhanh, thở nông, khó thở khi gắng sức...
- Dấu hiệu thiếu dinh dưỡng: Biếng ăn, đứng cân hay sụt cân, môi khô, lưỡi láng, mất gai, móng biến dạng: dẹt, có khía, hoặc khum hình thìa, tóc khô dễ rụng, dễ gãy...Trẻ dưới 2 tuổi chậm biết ngồi, biết đi, chậm tăng trưởng cân nặng chiều cao,...
- Dấu hiệu bệnh nền: Đđau thượng vị, tiêu phân đen, rối loạn kinh nguyệt,... hoặc có tiền sử phẫu thuật cắt dạ dày, ruột, bệnh lý gây xuất huyết đường tiêu hóa
- Dễ mắc các bệnh nhiễm trùng do sức đề kháng kém
2. Nguyên nhân gây thiếu máu
- Thiếu máu có thể xảy ra cấp hoặc mạn tính do nhiều nguyên nhân:
- Nhiễm ký sinh trùng đường ruột.
- Xuất huyết trong các bệnh phụ khoa (rong kinh, u xơ tử cung...), xuất huyết tiêu hóa (viêm loét dạ dày, tá tràng...).
- Hấp thu kém (tiêu chảy, cắt dạ dày - ruột...).
- Thiếu dinh dưỡng là nguyên nhân phổ biến nhất. Thiếu máu dinh dưỡng là thiếu máu giảm sản xuất hồng cầu do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu như thiếu vitamin B12, hoặc thiếu acid folic, nhưng thường gặp nhất là thiếu máu do thiếu sắt.
2.1. Thiếu máu do thiếu sắt
Nhận biết và dự phòng thiếu máu dinh dưỡng
Sắt có trong thực phẩm nguồn động vật và thực vật như cá, ngũ cốc, hoa quả
Sắt là một vi chất quan trọng, là thành phần cấu tạo hemoglobin, myoglobin, protein, enzyme, ...có vai trò vận chuyển oxy trong máu đến với các mô trong cơ thể; kết hợp với các chất dinh dưỡng khác để giải phóng năng lượng cho sự co cơ, quá trình chuyển hóa như tổng hợp DNA, và các chức năng miễn dịch, tiêu hoá,...
Sắt có trong thực phẩm nguồn động vật như thịt, gan, cá... có giá trị sinh học cao và từ nguồn thực vật như ngũ cốc, đậu đỗ, rau quả... có giá trị sinh học thấp hơn, hấp thu kém hơn... Sắt được tăng cường hấp thu bởi vitamin C (có nhiều trong cam, chanh, ổi, kiwi, ớt đà lạt, bông cải xanh, cà chua...) trái lại bị ức chế hấp thu chất sắt bởi phytat, phosphat, canxi (có trong ngũ cốc) và polyphenol (có trong trà và một số loại rau). Sắt trong khẩu phần của người Việt Nam hiện nay chỉ đáp ứng 30-50% nhu cầu.
Nguyên nhân thiếu sắt: do không cung cấp đủ trong khẩu phần trong khi dự trữ sắt không đầy đủ (phụ nữ mang thai có nhu cầu cao hơn bình thường để tăng khối lượng máu cho người mẹ và phát triển thai nhi; trẻ sinh nhẹ cân, sinh non, suy dinh dưỡng bào thai, con của các bà mẹ thiếu máu trong thời kỳ mang thai; trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ ăn bổ sung quá sớm; trẻ giai đoạn tăng trưởng nhanh trong những năm đầu đời và tuổi dậy thì, người ăn chay, ăn kiêng, ăn ít thức ăn động vật) hoặc do tình trạng kém hấp thu (người mắc các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy kéo dài, viêm loét dạ dày tá tràng,..) hoặc mất máu (mất sắt theo chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, nhiễm giun sán,...)
2.2. Phụ nữ mang thai có nguy cơ bị thiếu máu
Biểu hiện của bệnh tùy theo mức độ thiếu máu nhẹ, vừa, hoặc nặng. Trẻ thường mệt mỏi, kém ăn, chậm lớn, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, lòng bàn tay bàn chân, móng tay, móng chân cũng nhợt nhạt. Nhịp tim nhanh, khó thở khi gắng sức. Trẻ học kém tập trung, hay ngủ gật, chỉ số thông minh thấp. Phụ nữ mang thai thường biểu hiện hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tim đập nhanh.
2.3. Thiếu máu do thiếu acid folic
Acid folic hay folat (vitamin B9) cần thiết cho sự phát triển và phân chia tế bào và sự hình thành tế bào máu.
Folat có nhiều trong các loại rau lá màu xanh thẫm, trái cây họ cam, súp lơ, bông cải xanh... và thức giàu đạm như thịt, gan, trứng cá, đậu hạt,... Folat rất dễ bị thất thoát trong quá trình nấu nướng 50-90%, thậm chí không còn khi nấu ở nhiệt độ cao nhiều nước hay thời gian quá lâu.
Nguyên nhân thiếu hụt folat là do không cung cấp đủ trong khẩu phần ăn hoặc do tình trạng kém hấp thu nhất là khi các bệnh về đường tiêu hóa hoặc do nhu cầu tăng ở sinh đẻ non, sốt rét, thiếu máu, tan máu và ảnh hưởng của một số thuốc như thuốc chống co giật, chống động kinh, chống ung thư, các thuốc làm giảm độ acid trong dạ dày gây tăng nhu cầu và sử dụng folat.
Nhận biết và dự phòng thiếu máu dinh dưỡng
Folat có nhiều trong các loại rau lá màu xanh thẫm, trái cây họ cam, súp lơ, bông cải xanh... và thựcs giàu chất đạm như cá, thịt, trứng...
Biểu hiện của thiếu folat: ngoài các dấu hiệu thiếu máu, trẻ thường chán ăn, nôn, tiêu chảy, viêm miệng lưỡi, run chân tay, tăng trương lực cơ, hồi hộp, thở gấp và ngắn. Thiếu folat sớm ở phụ nữ mang thai trong những tháng đầu của thai kỳ có thể gây khuyết tật ống thần kinh cho thai nhi (nứt cột sống, vô sọ, thoát vị não).
2.4. Thiếu máu do thiếu vitamin B12
Vitamin B12 tham gia vào quá trình tổng hợp DNA, sự phát triển và phân chia tế bào và quá trình myelin hóa sợi thần kinh.
Vitamin B12 chỉ có trong thức ăn nguồn động vật, dễ bị hao hụt đến hơn 50% khi chế biến nấu chín.
Nguyên nhân thiếu vitamin B12 chủ yếu là do bị các bệnh về đường tiêu hóa (tiêu chảy, phẫu thuật dạ dày - ruột) gây kém hấp thu và chế độ ăn thiếu thực phẩm nguồn gốc động vật kéo dài, ăn chay trường..
Biểu hiện của thiếu vitamin B12: ngoài các dấu hiệu thiếu máu, có thể kèm một số triệu chứng thần kinh: rối loạn cảm giác, đi lảo đảo...
3. Phòng ngừa thiếu máu dinh dưỡng
Cải thiện chế độ ăn, đa dạng hóa bữa ăn: lựa chọn các thực phẩm giàu sắt nguồn động vật như thịt các loại, gan, trứng, ...; và nguồn thực vật như một số loại rau xanh, đậu đỗ, nấm,... kết hợp thực phẩm giàu vitamin C, giàu acid folic như các loại rau có lá màu xanh thẫm, đậu quả, đậu hạt,... Không uống sữa, trà cùng bữa ăn.
Cải thiện tình trạng vệ sinh môi trường, thực hành vệ sinh cá nhân
Phòng ngừa các bệnh giun sán cho trẻ em. Trẻ em cần được tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần.
Điều trị các bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm ký sinh trùng, các bệnh lý tiêu hóa để tăng cường khả năng tiêu hóa hấp thu dưỡng chất.
Bổ sung sắt cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao
Phụ nữ mang thai: Bổ sung viên sắt và acid folic là biện pháp phòng ngừa thiếu máu hữu hiệu nhất cần thực hiện ngay khi có thai và đều đặn trong suốt thời gian mang thai cho tới sau khi sinh một tháng.
Phụ nữ tuổi sinh đẻ: Cần uống viên sắt theo phác đồ dự phòng với liều 1 viên/tuần trong thời gian 16 tuần
Trẻ sinh non, trẻ sinh đa thai, trẻ sơ sinh nhẹ cân và trẻ thiếu sữa mẹ: lựa chọn sản phẩm dinh dưỡng có bổ sung chất sắt, theo dõi đánh giá tình trạng thiếu máu.
Bài viết nhằm chia sẻ các thông tin nhận biết thiếu máu, nguyên nhân gây ra thiếu máu dinh dưỡng và cách dự phòng. Nếu bạn còn băn khoăn vấn đề này, các chuyên gia đến từ Vinmec luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.