Kết quả nghiên cứu cho thấy có khoảng 50% dân số thế giới bị đau đầu hằng ngày. Cứ 3 người thì có một người bị đau đầu dữ dội vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Đa số các trường hợp đau đầu thường không đi khám hoặc điều trị triệt để khiến tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn.
1. Nguyên nhân gây đau đầu
Đau đầu là cảm giác khó chịu nhất của mỗi người, có rất nhiều nguyên nhân gây ra. Đây có thể là dấu hiệu của một bệnh, có thể là rối loạn cảm xúc, mệt mỏi và căng thẳng. Tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau hiện nay khiến số lượng người đau đầu ngày một đông và mức độ đau nặng thêm. Nghiên cứu cho thấy có sự gia tăng số lượng gốc tự do trong cơ thể người đau đầu, đặc biệt là người có stress kèm theo.
2. Các loại đau đầu thường gặp
Đau đầu được xem là triệu chứng nhiều hơn là bệnh, không chỉ gặp trong các chuyên khoa thần kinh, tâm thần mà còn xuất hiện trong hầu hết các bệnh nội và ngoại khoa. Người ta thường dùng cụm từ đau đầu để chỉ những cảm giác khó chịu và đau ở vùng vòm sọ, phổ biến nhất là các loại đau đầu nguyên phát như: đau đầu dạng căng thẳng, đau đầu migraine, đau đầu từng cụm, đau đầu mạn tính...
2.1 Đau đầu dạng căng thẳng (tension-type headaches)
Đau đầu dạng căng thẳng
Đây là hội chứng đau đầu thường gặp nhất, chiếm 90% các loại đau đầu hiện nay. Bệnh nhân thường có vấn đề cảm xúc không giải quyết được, lo âu kéo dài, chủ yếu tập trung ở tuổi trung niên, nữ giới mắc nhiều hơn nam. Đau đầu dạng căng thẳng có đặc điểm: đau ê ẩm, cảm giác bóp siết ở vùng đầu, đè ép thắt chặt, cường độ đau tăng dần theo tần suất xuất hiện cơn đau. Hầu hết bệnh nhân đau cả 2 bên đầu, thường tập trung cơn đau nhiều nhất ở vị trí vùng trán, thái dương, chẩm, đỉnh hoặc phối hợp nhiều nơi và có thể thay đổi vị trí đau trong cùng một cơn đau.
2.2 Đau nửa đầu (đau đầu migraine)
Đây là đau đầu có nguyên nhân từ thần kinh mạch máu, xuất hiện từng cơn. Đặc biệt đau chỉ xuất hiện ở một bên đầu, cảm giác da đầu căng và rát như bị bỏng, kèm các triệu chứng như: ù tai, mờ mắt, buồn nôn, sợ tiếng ồn và ánh sáng... Hiện nay có khoảng 11% dân số trưởng thành trên thế giới đang chịu các cơn đau nửa đầu, trong đó phụ nữ chiếm đến 3⁄4 trong số đó.
2.3 Đau đầu từng cụm (cluster headache)
Đây cũng là loại đau đầu có nguyên nhân từ thần kinh mạch máu, thường gặp ở nam giới tuổi trung niên và có hút thuốc. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, tỉ lệ nữ giới bị đau đầu từng cụm đang tăng dần. Cơn đau thường xuất hiện sau khi ngủ khoảng 1 đến 3 giờ, khi thức dậy đã thấy đầu đau và nặng. Cơn đau tập trung thành từng cụm, khu trú ở nửa đầu, thường đau nhiều ở sau mắt, đau lan ra trán và thái dương, đau đầu kèm theo ngạt mũi, chảy nước mắt, buồn nôn...
Đây là dạng đau đầu mà được mô tả là cơn đau mà bệnh nhân chưa từng trải qua, đau thường vào 1 giờ cố định, kéo dài từ 3-4 tiếng, liên tục cả tuần.
2.4 Đau đầu mãn tính hàng ngày (Chronic daily headache)
Đau đầu mãn tính hàng ngày là dạng đau đầu kéo dài trên 15 ngày trong một tháng
Đây là dạng đau đầu kéo dài trên 15 ngày trong một tháng. Loại đau đầu mãn tính thường có trong các bệnh lý kết hợp như: trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, cơn hoảng sợ, stress và khi bệnh nhân lạm dụng thuốc. Hầu hết các trường hợp đau đầu dạng này không phát hiện các bất thường nào trên ảnh chụp não. Đau đầu mãn tính nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra những rối loạn cơ thể như: hồi hộp, mất ngủ, đau dạ dày... ngoài ra còn xuất hiện triệu chứng trầm cảm nguy hiểm như: lo âu, thậm chí thay đổi tính tình.
3. Tác hại của đau đầu
Nghiên cứu cho thấy, tất cả các loại đau đầu dù là dạng nào thì sau 3 tháng đều sẽ xuất hiện những thay đổi cấu trúc và làm tổn thương não do các gốc tự do liên tục được sinh ra trong cơ thể trong quá trình chuyển hóa. Bình thường, gốc tự do tồn tại ở mức độ vừa phải nên ít gây những tác hại nghiêm trọng. Tuy nhiên ở những ở người có những bệnh lý đau đầu, đặc biệt là đau kèm stress, các chất trong não sẽ có sự rối loạn về chuyển hóa, từ đó sinh ra rất nhiều gốc tự do gây tổn thương cho tế bào thần kinh.
Nhiều trường hợp đau đầu đã có sẵn trong người, chỉ chờ những yếu tố thuận lợi (stress, sốc tình cảm, tâm lý), yếu tố thúc đẩy (chế độ sinh hoạt, thời gian làm việc kéo dài)... làm tăng sinh các gốc tự do đủ để xảy ra triệu chứng đau đầu, tổn thương thần kinh, mạch máu và làm tổn hại cấu trúc của não. Tùy từng trường hợp, đau đầu trong một thời gian dài sẽ khiến bệnh nhân xuất hiện những biểu hiện trầm cảm, lo âu, hay quên, rối loạn trí nhớ, thiếu tập trung... Đau đầu càng nặng sẽ càng bộc lộ những triệu chứng này thường xuyên hơn, dễ dẫn đến sa sút trí tuệ, đột quỵ não dẫn đến tàn tật và thậm chí tử vong.
Điều đáng lo ngại nhất hiện này đó là phần lớn bệnh nhân không biết nguyên nhân chính gây ra chứng đau đầu và thường không được trị tận gốc. Tìm nguyên nhân gây đau đầu là khâu quan trọng nhất trong điều trị. Nếu không triệt được nguyên nhân thì bệnh sẽ tái đi tái lại, việc điều trị không cho hiệu quả mong muốn. Có khoảng 60% các bệnh nhân lạm dụng thuốc giảm đau (không đúng chỉ định và thời gian dùng thuốc kéo dài), gây khó khăn trong việc điều trị về sau vì bệnh dễ tái phát. Do đó, tốt nhất vẫn là tuân thủ các chỉ định về loại thuốc, liều lượng, chống chỉ định theo toa của bác sĩ.
4. Phòng ngừa và điều trị đau đầu
Đau đầu có thể chỉ là triệu chứng, không cần can thiệp vẫn có thể tự qua đi. Nhưng vẫn có nhiều trường hợp đau đầu là một cấp cứu y khoa. Khi bạn có triệu chứng đau đầu đột ngột hoặc cấp tính, đau kéo dài vài giờ, đau kèm nôn ói, sốt và yếu liệt nửa người, lúc này phải cho bệnh nhân đến khoa cấp cứu ngay. Một số trường hợp đau đầu còn kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng, điều trị thông thường bằng thuốc không giảm thì bệnh nhân nên đến khám các chuyên khoa thần kinh, nội tổng quát. Trường hợp đau đầu kéo dài kèm theo chứng rối loạn lo âu, stress thì nên đến khám chuyên khoa tâm thần.
Thời gian điều trị chung cho các chứng đau đầu thường là 3 tháng, sau đó có thể ngưng thuốc. Tuy nhiên, khi các triệu chứng kèm theo như: mất ngủ, lo âu... chưa được kiểm soát tốt, thời gian điều trị có thể kéo dài hơn. Song song với việc điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cần hạn chế sử dụng rượu bia, hút thuốc lá, tránh stress tâm lý, đảm bảo giấc ngủ tốt, ăn uống điều độ và đầy đủ dinh dưỡng.